Phạm Phương Lan – “Người thơ phong vận như thơ ấy”

[Vanvn.vn] Cuộc đời của bất cứ nhà thơ nào cho dù họ đưa ánh mắt nhìn ra thế giới bộn bề bên ngoài, viết về cuộc sống, thì cũng bắt đầu xuất phát từ những cảm quan của tâm trạng, từ những rung động không cưỡng nổi của trái tim. Do vậy dù đi xa đến mấy trong những trang viết, thì khi đối diện với chính bản thân mình, nhìn vào bản ngã của mình, vẫn là những câu hỏi tự vấn. Phạm Phương Lan cũng là một nàng thơ thường tự vấn chính bản thân mình về cuộc đời, tình yêu, văn chương, để rồi khẳng định tâm thế cũng như tư thế của mình.

Nhà thơ Phạm Phương Lan

“Nếu không có thơ, cuộc đời tôi sẽ nhạt nhẽo”

Nàng thơ Phạm Phương Lan là một người gần gũi và thân quen với giới văn chương miền Nam. Từ rất lâu, trong Hội Nhà văn TPHCM đã quen thuộc với một bóng hồng xinh đẹp, tháo vát, giỏi giang và nhóm “Văn học Sài Gòn”, một nhóm gồm một số gương mặt thân hữu văn chương tại TPHCM với chủ trương tập trung nguồn lực cá nhân để đóng góp cho văn học Việt Nam đương đại trên các phương diện sáng tác và lý luận phê bình, cũng không thể thiếu vắng thành viên chủ chốt này. Bản thân trong tập thơ “Nứt ra từ đá”, nhà thơ Phạm Phương Lan cũng có một chùm thơ 6 bài theo thể thơ 1-2-3 là một thể thơ do nhà thơ Phan Hoàng, người sáng lập nhóm “Văn học Sài Gòn” sáng tạo ra và thể thơ này đang nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều nhà thơ ở khắp mọi miền đất nước Việt Nam.

Quê gốc vốn ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, mảnh đất địa linh nhân kiệt với nhiều nhân vật lịch sử, cách mạng, văn chương nổi tiếng từ hàng ngàn năm nay, nàng thơ Phạm Phương Lan lại mê đắm mảnh đất miền Nam và quyết tâm vào đấy học tập, sinh sống chỉ vì mê giọng nói của người Nam Bộ. Phạm Phương Lan theo học tại thành phố Cần Thơ, xứ gạo trắng nước trong và tưởng cuộc đời người phụ nữ nhan sắc này sẽ bình lặng trôi đi. Nhưng những biến cố trong cuộc sống riêng tư đã khiến Phạm Phương Lan dời chân đến với Sài Gòn năm 2006 và chính tại mảnh đất này, tài năng thơ ca của chị tỏa sáng cùng với những thành đạt trong cuộc sống, sự ứng xử chân tình với mọi người, khiến cho Phạm Phương Lan trở thành một “nữ cường nhân” dịu dàng được nhiều bạn bè văn chương yêu quý, mến mộ.

Là một tác giả nữ chuyên tâm làm thơ, cho đến nay Phạm Phương Lan đã xuất bản sáu tập thơ. Đó là các tập: “Không là gió mây” (NXB Thanh Niên, 2008) “Góc trọ hồn người” (NXB Thanh Niên, 2011) “Giữ lửa thời @” (NXB Hội Nhà văn, 2015) “Khâu tình” (NXB Hội Nhà văn, 2018) “Sóng hát” (NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM, 2019), “Mật ngữ em” (NXB Hội Nhà văn, 2021). Tác giả cũng từng đat một số giải thưởng văn chương.

Phạm Phương Lan là một người sáng tác nhiều nhưng chọn lọc kỹ, trung bình vài ba năm chị mới cho ra mắt một tập thơ. Trong một lần trả lời phỏng vấn trên báo Sài Gòn giải phóng, khi được hỏi có phải thơ ca từng góp phần làm cho đời sống của chị truân chuyên, thì Phạm Phương Lan đã nhẹ nhàng và dứt khoát trả lời: “Thơ không vận vào đời tôi khiến tôi phải truân chuyên, ngược lại thơ chính là đời sống tinh thần thứ hai của tôi. Nếu không có thơ, cuộc đời tôi sẽ nhạt nhẽo lắm. Bởi thơ là niềm vui, là tình yêu; tôi làm thơ vì yêu thơ, không phải để thành nhà thơ hay để nổi tiếng”. (Quỳnh Yên, “Nhà thơ Phạm Phương Lan: Và bão giông đã dừng sau cánh cửa”, Báo Sài Gòn giải phóng ngày 21.4.2019).

Nhưng nếu không có thơ, thì có lẽ cuộc đời của Phạm Phương Lan cũng không hề nhạt nhẽo. Cuộc đời ấy đủ sức viết thành tiểu thuyết. Chỉ có điều Phạm Phương Lan đã chọn lọc ra những phần đời để gửi gắm vào thơ! Và như nhà thơ Hàn Mặc Tử từng viết “Người thơ phong vận như thơ ấy”, một nàng thơ xinh đẹp như Phạm Phương Lan cũng rất nỗ lực chắt lọc những ngôn từ thơ đẹp dành cho độc giả. Sau ba năm kể từ khi tập thơ thứ sáu ra đời, năm 2024, Phạm Phương Lan cho ra mắt tập thơ thứ bảy “Nứt ra từ đá” (NXB Hội Nhà văn).

Không còn một Phạm Phương Lan của ngày xưa
Phạm Phương Lan thường được giới văn chương khen tặng bằng những câu chữ như giọng thơ nhẹ nhàng, nữ tính, tình cảm, chuyên làm thơ tình đầy chiêm nghiệm. Dĩ nhiên cũng có tập thơ của chị hướng đến những đề tài xã hội, nói về môi trường, đời sống như tập thơ “Sóng hát”. Nhưng với tập thơ “Nứt ra từ đá”, có lẽ đã không còn một Phạm Phương Lan của ngày xưa, như nhà thơ nữ nổi tiếng người Nga Olga Berggolts (1910-1975) từng viết:

Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn

Em mới hiểu bây giờ anh có lý

Dù chuyện cũ xa rồi, anh đã xa cách thế

Em hát khác xưa và khóc cũng khác xưa

(Bài thơ cuộc đời – Olga Berggolts)


Tập thơ song ngữ Việt – Anh “Nứt ra từ đá” của Phạm Phương Lan

Người đàn bà “tái chế” chính bản thân từ những “vụn đời”

Sau những năm tháng cuộc đời có sóng gió, có bình lặng, sau những tâm tình vui buồn gửi gắm vào thơ, nàng thơ Phạm Phương Lan nay đã khác xưa. “Nứt ra từ đá” biểu hiện một phong cách thơ khác, nhân cách thơ khác. Người đàn bà ấy vẫn là chính họ, nhưng cũng khác chính họ, bởi vì họ biết “tái chế” bản thân mình. Nhưng có sự tái chế nào mà lãng quên đi được những chất liệu “vụn đời” ban đầu? Cho nên là một Phạm Phương Lan rất khác, nhưng vẫn là một hình bóng Phạm Phương Lan của những năm tháng đã qua ẩn hiện xuyên suốt trong cả tập thơ. Vẫn là một phụ nữ “môi thắm má hồng” và trải qua những “đảo điên nhân tình thế thái” nhưng sự “khắc khoải” vẫn đau đáu như “ngải tâm can”.

Sao cứ là em

Người đàn bà hơn nửa đời gom nhặt

Những vụn đời lăn lóc

Tái chế nụ cười hoang hoải đục trong.

 

Điêu khắc làm chi môi thắm má hồng

Gieo quẻ đảo điên nhân tình thế thái

Sao chẳng chịu ém bùa ánh nhìn khắc khoải

Hoá phép ngân hà chứng ngải tâm can.

(Tái chế nụ cười)

Cho nên trước khi kịp nhận ra một Phạm Phương Lan đang “tái chế” chính bản thân mình thì vẫn là một Phạm Phương Lan yêu và sống, chìm nổi, khóc cười như đã thân quen.

Bơi trong nỗi nhớ

Biêng liêng khúc xạ một người

 

Bơi trong cuộc đời

Chát chao buồn vui chìm nổi

 

Con cá ngược dòng

Khởi nguồn lai sinh cuồng vội

 

Ngược dòng em

Chênh vênh nênh nổi khóc cười.
(Khúc xạ)

Nhưng dù trầm luân trong bão tố cuộc đời, dù ở độ tuổi thấy buồn khi ngắm hoàng hôn rơi, thì vẫn là một Phạm Phương Lan nồng nàn, tha thiết, với sức sống như được “nứt ra từ đá”. Sau rất nhiều mất mát, buồn tủi, vẫn còn lại mãi những si mê và yêu dấu. Tình yêu thì không có không gian và thời gian hạn định, chỉ có chúng ta tự hạn định chính bản thân mình! Thế nên khi yêu thì đừng triết lý, khi yêu thì đừng tự hỏi lý do tại sao, chỉ cần biết mình đang ở cao trào của cảm xúc, tâm trạng khi yêu!

Biển chiều chuốc vị si mê

Em chiều chuốc vị môi thề mềm môi.

(Vị chiều)

Khi ấy tình yêu chỉ còn là tình say.

Trà vơi một chén

Nhấp lời tình say

Yêu đầy một lối

Vỡ tan tim này.

(Say)

Những nơi chốn ám ảnh nàng thơ

Tập thơ “Nứt ra từ đá” có một điều thú vị “khác xưa” là đầy ắp những địa danh nơi chốn. Nếu như yêu có thể bỏ qua không gian và thời gian để trầm luân trong tình cảm, thì những nơi mà nàng thơ Phạm Phương Lan đã đi qua, đã từng dừng bước lại rất cụ thể và rõ ràng, trở thành những nơi chốn ám ảnh trong những câu thơ. Đó có thể là nhà ga Đà Lạt hiển hiện vào thơ như một “Ga cuối đêm gầy” vì không có nhau. Đó là đất Phú trời Yên với hoa vàng trên cỏ xanh khiến cho lòng người lạc lối với “Chiều Ô Loan sóng sánh. Mùa Tuy Hòa sắt se trở lạnh”. Đó là một chiều Lương Sơn “nứt ra từ đá”. Đó là một Bờ Tây không xác định “mênh mang sương khói hao gầy”. Đó là Ba Bể trầm mặc mà say say. Đó là “Đêm Vân Hòa sương giá sơn khê”…

Khi một người phụ nữ day dứt, khắc khoải về những nơi chốn, thì những nơi ấy không chỉ còn là kỷ niệm, mà trở thành những dấu vết khắc ghi vào tâm khảm! Cho nên ngoài những địa danh có thực, còn là những địa danh chỉ xuất hiện trong lòng người, trong trái tim, cũng như có những thời gian không hề cụ thể, chỉ phiếm chỉ như một mùa đông năm ấy mà thành “nợ duyên”.

Nhớ người băng giá mùa đông

Từ khi thu vội qua sông bỏ thuyền

Bến lòng ủ nhớ lên men

Ngập sâu trong mắt, nợ duyên bến nào?

(Lên men nỗi nhớ)

Phạm Phương Lan vẫn làm thơ tình như những ngày xưa, chỉ là thơ tình đã đằm thắm hơn, nhưng cũng chao chát niềm riêng hơn, xót xa hơn. Khi một người mà đi nơi chốn nào cũng thấy hình bóng tình yêu, chỉ có thể nói rằng vì niềm yêu đấy quá lớn lao, quá dày vò, hoặc cũng có thể nói rằng tình yêu không cần biết đến không gian và thời gian, song tình yêu tồn tại trong không gian và thời gian!

Bóng dáng của hơi thở đương đại

Và trong những yêu đương khắc khoải trầm luân, vẫn còn có một Phạm Phương Lan trẻ trung, tinh nghịch, rất theo kịp thời đại với ngôn ngữ giàu chất tạo hình, đầy xúc cảm, xen kẽ với những từ tiếng Anh thời thượng. Bây giờ chúng ta đã quá quen với hình bóng của những shipper gắn liền với việc giao hàng, mua hàng online trên mạng. Chỉ có Phạm Phương Lan dũng cảm và duyên dáng, nồng nàn tự ví mình như một cô gái shipper, mang đến tình yêu cháy bỏng cho người mình yêu thương.

Em là cô gái giao hàng

Ship toàn nụ hôn cháy bỏng

Ship cả những vòng tay ấm

Và lời mặn nồng trao anh…

(Shipper tình yêu)

Cũng chỉ có Phạm Phương Lan lên tiếng về một hiện tượng đang rất “trend” trên đời sống mạng xã hội và đưa thẳng vào thơ ca của mình như một sự phản ánh thực tại sống động.

Dòng đời tất tả con quay

Xu hướng loay hoay App thay mặt mộc

Đừng hỏi vì sao fake chuộng hơn là thật

Ảo diệu lên trend nịnh phỉnh mắt đời.

(Trend)

Vĩ thanh: Nàng thơ ấy “bật cười biên câu thơ”

Cuộc đời của bất cứ nhà thơ nào cho dù họ đưa ánh mắt nhìn ra thế giới bộn bề bên ngoài, viết về cuộc sống, thì cũng bắt đầu xuất phát từ những cảm quan của tâm trạng, từ những rung động không cưỡng nổi của trái tim. Do vậy dù đi xa đến mấy trong những trang viết, thì khi đối diện với chính bản thân mình, nhìn vào bản ngã của mình, vẫn là những câu hỏi tự vấn. Phạm Phương Lan cũng là một nàng thơ thường tự vấn chính bản thân mình về cuộc đời, tình yêu, văn chương, để rồi khẳng định tâm thế cũng như tư thế của mình. Sự “bật cười” ấy không chỉ là cười cuộc sống phức tạp, cười con người vờ diễn, mà còn để xác định chỗ đứng của bản thân mình trong dòng đời này.

Đời như là giấc mộng

Ta viết dở một chương

Chưa kịp khô nét mực

Đã lênh loang nỗi buồn.

 

Người như là mưa tuôn

Dội mèm ta ướt sũng

Cơn lạnh chưa kịp buông

Đã tạnh niềm ước muốn.

 

Thôi mặc cho gió cuốn

Mặc ai vờ ngây ngô

Mặc người ta diễn cố

Bật cười biên câu thơ.

(Một chương viết dở)

Mong rằng tập thơ “Nứt ra từ đá” cũng chỉ là “một chương viết dở” trong hành trình trên con đường thơ ca của Phạm Phương Lan. Sẽ còn nhiều tập thơ khác của Phạm Phương Lan để hoàn thiện thêm chương viết dở ấy và viết tiếp những chương mới!

TS. HÀ THANH VÂN







Phạm Phương Lan

Có người nói, nhan sắc là một tài sản. Nhưng cũng có người ngại ngần “hồng nhan bạc phận” và “phụ nữ làm thơ thường đa đoan”.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn