[SGGP] Sau 6 tập thơ, mới đây, nhà thơ Phạm Phương Lan vừa tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc tập thơ thứ 7 của mình: Nứt ra từ đá (NXB Hội Nhà văn). Lần này, tập thơ được thực hiện theo hình thức song ngữ Việt - Anh, qua bản dịch của Nguyễn Ngọc Quỳnh.
Phạm Phương Lan thuộc thế hệ 7X, là hội viên Hội Nhà văn TPHCM. Quê ở Đức Thọ (Hà Tĩnh), những năm tháng tuổi trẻ, chị lựa chọn lập nghiệp ở Cần Thơ, đến năm 2006 thì chuyển đến TPHCM. Sống trong môi trường đô thị năng động và náo nhiệt, đồng thời cũng là nơi mang đến nhiều cảm hứng thi ca, giúp chị không ngừng sáng tạo.
Dễ thấy, cứ khoảng 2-3 năm, Phạm Phương Lan đều đặn ra mắt một tập thơ mới, như một sự cam kết với độc giả của mình cũng như cam kết với chính mình trên hành trình theo đuổi thơ ca: một người viết nghiêm túc và bền bỉ với con chữ, dù cuộc sống cá nhân có đôi lúc thăng trầm: “Sao cứ là em/ Người đàn bà hơn nửa đời gom nhặt/ Những vụn đời lăn lóc/ Tái chế nụ cười hoang hoải đục trong” (Tái chế nụ cười).
"Nứt ra từ đá" là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Phạm Phương Lan
Ở Nứt ra từ đá, có nhiều bài thơ gần như là tiếng lòng của Phạm Phương Lan khi nhìn năm tháng trôi, lòng không khỏi nôn nao cho những thứ đã không còn là của mình. Lúc đó, thơ của chị đầy nỗi niềm: “Những sợi mây cõng vệt nắng chiều/ Khúc xạ lung linh lênh loang mặt sóng/ Vị đàn bà đi qua trầm luân ngọt đắng/ U50 rực rỡ, mặn mòi” (Vị chiều). "Vệt nắng chiều" hay hoàng hôn của đời người, hẳn sẽ khiến người ta bâng khuâng, tiếc nuối nhưng cũng không làm Phạm Phương Lan hết tha thiết với đời, với người và với chính mình: “Ta thương môi gầy/ Ủ lời mật ngọt/ Trầm tích muôn đời/ Giấu tình thao thiết” (Say).
Đọc các bài thơ trữ tình, dễ khiến người đọc có cảm giác Phạm Phương Lan mang tâm hồn đa sầu đa cảm, mong manh, yếu đuối. Nhưng thực ra đó mới chỉ là một mảnh ghép ở con người thơ Phạm Phương Lan. Còn một mảnh ghép nữa, chắc hẳn sẽ là một sự thú vị cho bạn đọc khi lật giở từng trang thơ Nứt ra từ đá. Để thấy rằng, tác giả mang phận nữ nhi đó nhưng hoàn toàn không “thường tình”.
Làm nên mảnh ghép này chính là những bài thơ đề cập đến những vấn đề thế sự. Ở đó, giọng thơ Phạm Phương Lan có đủ dịu dàng nhưng cũng đầy mạnh mẽ và quyết liệt. Chị ngao ngán với những thứ “hầm bà lằng” trên cõi mạng: “Sau những livestream khoe mẽ, tung hê/ Dạy đời, bán buôn, show hàng, bóc phốt/ Vị streamer thất thần ủ dột/ Tự vấn là ai giữa cuộc đời này?” (Trend). Để rồi sau đó là tiếng thở dài não nùng: “Thôi đành bỏ bút rong chơi/ Viết chi giữa những lơi khơi dối lừa/ Chân tình vùi dưới cơn mưa/ Cuốn trôi chiếc lá dư thừa ngãi nhân…” (Trend).
Chán ngán bởi những “kèn trống lanh canh khua khoắng lập lòe”, tác giả “thôi đành bỏ bút rong chơi”, nhưng đó chỉ như một lời tự an ủi, vỗ về chính mình khi cảm thấy bất lực trước những phù phiếm của nhân tình thế thái. Nhưng dễ gì mà buông bỏ được. Và vì thế, ngòi bút của chị lại đau đáu khi một ngọn núi biến mất, hay khi dòng sông bị lấp, biển mặn ngừng trôi, những rạn san hô không còn nữa. Tất cả chỉ bởi lòng tham không đáy của loài người. “Ta lạy người đừng giả vờ ngơ ngác ngây thơ/ Đánh đổi kỳ quan lấy bạc xanh tiền lẻ/ Mang được những gì khi lìa xa trần thế/ Mà bán cả non vàng, biển bạc linh thiêng?” (Thiêng liêng biển bạc non vàng).
Gói gọn 38 bài thơ, nhưng Nứt ra từ đá có đầy đủ cung bậc cảm xúc, mang đến sự chiêm nghiệm của một hồn thơ mà như Phạm Phương Lan tự nhận là “U50 rực rỡ, mặn mòi”. Không dễ dàng để “bỏ bút rong chơi” nên người đọc có niềm tin và chờ đợi vào Phạm Phương Lan ở những tập thơ tiếp theo.
--------------------------------------------------------------------------------
Các tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Phạm Phương Lan: Không là gió mây (NXB Thanh niên, 2008), Góc trọ hồn người (NXB Thanh niên, 2011), Giữ lửa thời @ (NXB Hội Nhà văn, 2015), Khâu tình (NXB Hội Nhà văn 2018), Sóng hát (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019), Mật ngữ em (2021) và Nứt ra từ đá (NXB Hội Nhà văn, 2024).
--------------------------------------------------------------------------------
Quỳnh Yên