Thời Gian Trắng - Nguyễn Phan Quế Mai

 THỜI GIAN TRẮNG

Thơ:  Nguyễn Phan Quế Mai

Bình: Phạm Phương Lan



Tôi vốn là một nhà thơ ngôn tình, viết thơ tình và cũng rất thích bình thơ tình. Ấy vậy mà trong một buổi ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã ký tặng tôi tập thơ “Tổ quốc gọi tên mình”. Tôi tò mò lắm. Tò mò trước hết bởi chị quá nổi tiếng, lại là một Việt kiều. Thế nhưng trông chị gầy guộc, mảnh mai và vô cùng bình dị, chẳng giống người nổi tiếng, cũng chẳng giống những gì mọi người hay hình dung về một Việt kiều (phốp pháp, sành điệu..). Cách chị tiếp đón mọi người cũng mộc mạc, gần gũi làm sao. Tôi bắt đầu tò mò về những bài thơ chị viết, có bài đã nổi như cồn sau khi được phổ nhạc. Và cứ thế, tôi đọc, tôi nghiền ngẫm từng bài thơ, từng tứ thơ, từng câu thơ của chị. Tôi nhận ra thơ chị cũng chân chất, đời thường nhưng đầy nội lực và lôi cuốn như con người của chị vậy. Bài thơ “Thời gian trắng” cũng không nằm ngoài mạch viết ấy.

Trong mưa phùn mùa đông, tiếng xe xé lòng mùa hạ

Tôi nhìn thấy ông

Kiên nhẫn đứng như một dấu chấm than giữa phố phường lũ lượt còi xe

Người người mắc cạn trong sự vội vã của chính mình

Ông một mình

Lặng lẽ

Nhỏ bé

Thời gian chảy qua hai bàn tay

Ngay khổ đầu bài thơ, ta bắt gặp câu thơ mang hơi hướm của lời kể chuyện. Chị đang kể cho chúng ta nghe về một câu chuyện đời thường, về một ông già lặng lẽ giữa sự quay cuồng tấp nập, vội vã của phố phường. Một cụ già lặng lẽ, nhỏ bé “như một dấu chấm than”. Cái cách ví von của chị cũng thật lạ lẫm, đầy tính tượng hình. Cách ví ấy dẫn người đọc liên tưởng đến một nốt lặng, lặng đến không cùng. Cách ví tài tình ấy đã biến ông - một nốt lặng bỗng thành điểm nhấn nổi bật giữa bức tranh xô bồ phố thị. “… một dấu chấm than giữa phố phường lũ lượt còi xe”.

Tôi mua một cuốc xe ôm

Ông chở tôi đi không kỳ kèo giá cả

Hình như, ông chỉ muốn ai đó nghe thấy giọng mình trồi lên trên những tòa nhà cao ốc

Trên những điệu nhạc ộc từ quán bar

Vượt lên tiếng còi xe người người bắn vào nhau như đang ở trong cuộc chiến

Câu chuyện tiếp tục bằng sự kết nối giữa tác giả và nhan vật chính của câu chuyện thơ. Một tình huống rất đỗi chân thực, bình dị dến mức binh dân. Câu chuyện gữa hai người bắt đầu mở ra cho người đọc về thế giới nội tâm chất chứa trong cõi lòng ông già chạy xe ôm. Vì sao ông già chạy xe ôm lặng lẽ, lạc lỏng giữa ồn ào phố xá ấy vẫn “muốn ai đó nghe thấy giọng mình..”? Phải chăng ông cũng như bao người khác, nhu cầu chứng tỏ mình còn sống, còn tồn tại, cần có tiếng nói giữa xã hội loài người? Và tiếng nói ấy phải vượt lên trên cả tầm cao của những tòa cao ốc lạnh lẽo,vô hồn, át cả tiếng nhạc xập xình ộc ra từ những quán bar hiện thân cho lối sống giới trẻ thời hiện đại, tiếng còi xe chat chúa, inh ỏi của rặt những bon chen hối hả. Hình như không phải thế. Điều gì thôi thúc ông muốn nói đến như vậy? 

Tôi ngồi sau xe

Lắng nghe ông kể chuyện

Nghe gió Trường Sơn thổi về từ mái tóc bồng điểm bạc nghe nắng miền Trung hát trên đôi vai gầy guộc

Nghe tiếng súng xuyên về từ ngày tôi chưa sinh

Và linh cảm của tôi đã đúng. Ông muốn mọi người nghe ông nói về những tháng ngày nơi Trường Sơn lịch sử. Đến đây, thân phận ông già chạy xe ôm đã hiện ra rõ mồn một. Chúng ta không phải đoán già đoán non về những suy tư trong ẩn chứa bên trong con người trầm mặc ấy nữa. Thời trai trẻ của ông gắn liền với cuộc chiến đấu chống Mỹ thần thánh của dân tộc. Ông đã từng băng rừng xuyên dãy Trường Sơn. Ông nhớ về đồng đội, nhờ về những ngày gian khổ khốc liệt nhưng con người đầy lý tưởng. Những chàng trai, cô gái năm xưa sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân, hi sinh xương máu và cả tính mạng mình cho đất nước hòa bình, non sông thấng nhất. Cho hôm nay chúng được sống trong sự phồn vinh, thịnh vượng. 

Khi được kể câu chuyện của mình, ông như sống lại thời trai trẻ. Đó là khi ông được là chính mình. Hình ảnh ông bỗng đẹp đẽ, nên thơ đến lạ như “gió Trường Sơn thổi về từ mái tóc bồng điểm bạc nghe nắng miền Trung hát trên đôi vai gầy guộc”. Những ồn ả của nhịp sống đô hội có át được tiếng lòng ông, có át được những năm tháng hào hùng của dân tộc? Ông muốn nói, muốn kể cho thế hệ con cháu chúng ta nghe về thời máu lửa năm xưa,  “Nghe tiếng súng xuyên về…” từ quá khứ. Tác giả đã thật tài tình khi kết nối quá khứ với hiện tại bằng câu chuyện với người lính già trên chuyến xe ôm.

Người lính già

Đem giọt mưa xa về mắt tôi

Giọt mưa mang vị ngọt chiến thắng, vị đắng cuộc chiến đã xa ông vĩnh vễn ghi tên mình vào nó

Vị mặn trăn trở - “rồi có ai còn nhớ tới Trường Sơn”

Và, vị cay của cuộc sống đời thường tấp nập chảy quanh tôi như chỉ biết vươn mình về phía trước

Về phía trước…

Mà quên di

Quên đi 

Những người lính và những câu chuyện cần được kể

Quên đi người lính già nhỏ bé

Cạnh ngã tư đường

Thời gian trắng qua đôi bàn tay.

Chúng ta – thế hệ sinh ra sau chiến tranh có cảm nhận được hết những điều ông kể? Những “vị ngọt chiến thắng, vị đắng cuộc chiến”. Vị cay đã lăn trên khóe mắt, vị mặn đã thấm trên môi của chị. Bằng sự thấu hiểu, cảm nhận của bản thân, tác giả đã cho người đọc thấu hiểu phần nào giá trị của hòa bình độc lập, hiểu được những năm tháng chống Mỹ cứu nước hào hùng của thế hệ cha anh. Chị đã nói hộ sự lo lắng của người lính già khi mai kia “rồi có ai còn nhớ tới Trường Sơn”, còn ai nhớ về những tháng ngày đạn bon khốc liệt. Quá khứ thì hãy ngủ yên. Con người sống cho hiện tại và vì tương lai. Nhưng lịch sử thì không thể nào quên. Lịch sử không chỉ tồn tại trên những trang giấy. Nó phải được thấm đẫm trong trái tim của từng thế hệ cháu con. Người lính già ấy không thể lặng im khi xã hội đang xô bồ, hối hả. Cần lắm những nốt lặng, cần lắm những câu chuyện kể cho nhau nghe về lịch sử hào hùng của dân tộc, của đất nước Việt Nam. 

Chị đã khóc. Giọt nước mắt không chỉ vì câu chuyện Trường Sơn và những ngày mưa bom bão đạn. Chị khóc còn vì xã hội, ai ai cũng vì cuộc sống mưu sinh mà quên đi “Những người lính và những câu chuyện cần được kể”. Để người lính già ấy bây giờ cứ lặng lẽ đứng ở ngã tư đường mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm, mà “Thời gian trắng qua đôi bàn tay”. 

Nếu để ý, ta dễ dàng nhận thấy ngay ở câu thơ cuối khổ đầu, tác giả đã dùng hình ảnh “Thời gian chảy qua hai bàn tay”, thì đến cuối bài thơ, tác giả đã nhắc lại nó bằng hình ảnh “Thời gian trắng qua đôi bàn tay”. Câu thơ như vết cứa xuyên tận trái tim tôi. Bụi thời gian đã phủ mờ những cống hiến hi sinh của người lính năm xưa hay lòng người bạc bẽo, xã hội bàng quang trước họ. Họ đã cống hiến, hi sinh suốt tuổi thanh xuân cho tổ quốc, mà đến cuối đời vẫn tay trắng bàn tay.Đọc đến đây, tôi không thể cầm lòng, và chính tôi đang nếm vị mặm trên môi từ những giọt cay trên khóe mắt của mình.

Với lối kể chuyện mộc mạc, tự nhiên, tac giả đã dẫn dắt người đọc ngược về từng chặng thời gian, mở ra từng nút thắt để đến cuối bài thơ, trái tim người đọc như thắt lại, Thời gian trắng cứ nhòa đi.. nhòa đi trong nước mắt. Phải chăng đó là thành công ngoài mong đợi của một nhà thơ trước tác phẩm của mình?






Phạm Phương Lan

Có người nói, nhan sắc là một tài sản. Nhưng cũng có người ngại ngần “hồng nhan bạc phận” và “phụ nữ làm thơ thường đa đoan”.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn