Bài dự thi “Nhớ thương mùi tết – 2021”
TẾT MẸ & TẾT EM
Phạm Phương Lan
Thật ra cái tết của người lớn nó khác tết của trẻ con thế nào nhỉ? Đã có ai từng nghĩ và làm phép so sánh thú vị này chưa? Chắc là có, và nhất định không phải là trẻ con. À, mà cũng có thể lắm chứ…
Hồi tôi còn bé, quê tôi nghèo lắm. Dải đất miền Trung mưa bão và gió lào quanh năm. Cái đận giáp Tết thì chao ôi là rét. Lúc ấy, lũ trẻ chúng tôi cũng tất bật lắm. Nào là giúp bố mẹ chăm những luống rau xanh mướt: cải bắp, súp lơ, cà chua, rau diếp; nào là lên núi chặt củi về để dành làm chất đốt. Sáng đi học, chiều lại tưới rau; Buổi tối chụm đầu bên ngọn đèn dầu học bài. Ánh đèn đầu leo lét tỏa sáng một quầng nho nhỏ đủ đểu mấy chị em quanh bàn thấy rõ mặt nhau. Đứa nào cũng chúi mũi sát vào để có thể thấy sáng hơn chút xíu. Vậy là thi thoảng lại nghe mùi khét lẹt, không cục bông trên chóp mũ len đứa này cháy thì cũng vạt lông mày đứa kia bị sém. Sáng ra đi học, trông mặt rõ buồn cười. Nhưng riết rồi cũng thành “chuyện thường ở huyện”.
Cách Tết độ mươi ngày, Những luống rau trong vườn đã tới thì thu hoạch. Chiều chiều, tôi phải cắt rau, bó thành từng bó, tưới đẫm nước rồi dựng đầy góc sân. Sáng sớm, tôi dậy thật sớm, tất tả cắt gốc bó rau, sắp gọn vào gánh, mang ra chợ bán. Do rau nhà tự tay chăm bón, cắt bó nên bó nào bó nấy to và tươi mỡn. Chả mấy khi tôi phải ra đến chợ. Vì cứ nửa đường là đã bán hết. Lại tất tả chạy về xách cặp đi học. Tuổi thơ tôi gắn liền với công việc ngược xuôi và học hành cắm cổ. Tôi chả mấy khi có dịp để được chơi nhởi la cà cùng lũ trẻ trong thị trấn.
Lúc này, cái thị trấn nhỏ bé của tôi đã bắt đầu nhộn nhịp. Hàng hóa phục vụ Tết la liệt khắp hàng quán, chợ búa. Tôi lại khấp khởi cùng mẹ đi mua đồ, chuẩn bị cho ngày Tết. Thường là đồ khô như: mộc nhĩ, bún, măng, đồ trang trí được mua sớm. Các nhà rủ rê nhau đụng lợn để giáp Tết thì mổ, chia nhau. Lúc này, quần áo Tết đã được cắt may. Ai nhanh thậm chí đã được lấy về.