NGỰC
BỐ CÓ HOA
Phạm Phương Lan
Nhà
tôi nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh. Vùng quê nghèo chẳng có gì ngoài gió lào và
bão tố. Ngày chúng tôi còn nhỏ xíu, mùa hè nóng ran, trẻ nít đứa nào cũng rôm sảy
đầy người. Buổi sáng, khi nắng bắt đầu lên là mấy chị em cứ lăn ra phản, giơ
lưng ra bắt bố gãi. Người ta bảo con gái là tình nhân kiếp trước của bố chắc
cũng không sai, vì chúng tôi có nhỏng nhẻo bao nhiêu bố cũng chiều. Những lúc
như thế, chúng tôi thường hay sờ lên những vết sẹo trên ngực, trên vai, bên
hông của bố và thắc mắc: Sao người bố có nhiều hoa thế?
Ngày
đó chúng tôi còn quá nhỏ để hiểu những "bông hoa" đó chính là những vết
thương do chiến tranh để lại. Phía đạn găm vào thì sẹo nhỏ, nhưng phía viên đạn
của giặc phá để bay ra khỏi cơ thể bố thì trở thành những cái sẹo lồi rất lớn với
đủ các vân nổi lên. Chúng tôi cứ tưởng đó là những bông hoa.
Thân
hình bố gầy gò, mẹ chăm bao nhiêu cũng không lại. Cái bệnh sốt rét chiến trường
cứ hành hạ bố bất kể nắng mưa, mùa xuân hay mùa hạ. Mẹ kể gia đình bên nội có
sáu chị em, trong đó có ba anh em trai. Bố là trai út, cũng là cậu học sinh xuất
sắc lớp chuyên toán khóa một của Bộ. Hai bác đầu đã tham gia quân ngũ, bố được
miễn nghĩa vụ. Nhưng khi đang là sinh viên của Đại học Vinh, theo tiếng gọi của
tổ quốc thiêng liêng, đáp lời cuộc Tổng động viên trên toàn quốc, bố đã cùng những
chàng trai của thời đại xung phong ra mặt trận. Gác lại sách vở, để lại người
yêu là cô bạn chung lớp xinh đẹp nức tiếng Đại học Vinh lúc đó.
Suốt
thời gian tham gia chiến trường, bố tôi vẫn thường viết những bài thơ tặng mẹ.
Những bài thơ chan chứa tình yêu của bố dành cho mẹ, cho những khoảnh khắc bình
yên trên chiến trận, cho những cảnh sông núi đẹp đến nao lòng trên đường hành
quân, và cả những bài thơ bi tráng trên chiến trận.
Trong
một trận hành quân, đơn vị của bố bị phục kích. Cả trung đội không còn một ai sống
sót. Bố tỉnh dậy trong tình trạng thương tích đầy người tay vẫn giữ chặt khẩu
súng. Bố nằm yên trong đống đất đá, pha lẫn xác đồng đội, chờ khi trời tối thì
men vào rừng sâu, đi tìm cứu viện. Năm 1973, bố trở về với một thân thể nát
bươm, đầy những vết thương chưa thôi băng bó. Đám cưới của một anh thương binh
và cô giáo dạy cấp ba trường huyện diễn ra đơn sơ mà đẹp như cổ tích.
Rời
chiến trường, bố trở lại với giảng đường đại học, rồi làm một thầy giáo, một
nhà toán học. Khí chất người lính vẫn không bao giờ ngơi nghỉ trong ông. Cả cuộc
đời dạy học, ông đã không ngừng nghiên cứu sáng tạo để tìm ra những cách giải
hay, những phương trình độc đáo. Tính ra cho đến giờ này ông đã viết tới mấy chục
đầu sách về Toán căn bản, Toán sơ cấp. Những nghiên cứu của ông được nhà nước
công nhận và trao tặng rất nhiều giải thưởng danh giá. Năm 2008, ông vinh dự được
nhà nước phong tặng danh hiệu NHÀ GIÁO ƯU TÚ.
Bây
giờ dù đã nghỉ hưu, sức tàn lực kiệt, nhưng hễ nói đến đến toán học hay những kỷ
niệm trên chiến trường, mắt ông lại ngời lên như thời trai trẻ. Mấy đứa cháu
thì cực kỳ thích thú với những “bông hoa” trên người ông ngoại. Hễ có dịp là lại
đu đeo theo ông để sờ mó, để mè nheo đòi ông kể chuyện vì sao người ông lại có
hoa./.