MẶT ĐẤT VÀ BẦU TRỜI

 MẶT ĐẤT VÀ BẦU TRỜI

Thơ: Tiểu Quyên

Bình: Phạm Phương Lan



Tiểu Quyên là một nhà văn trẻ khá nổi tiếng trong làng văn TP. HCM. Song, khi đọc bài thơ Mặt đất và bầu trời của cô, tôi thật sự bất ngờ. Bài thơ như bản tình ca hòa quyện giữa tình yêu lứa đôi, tình yêu đất nước, là sự giao hòa giữa con người với bao la vũ trụ.

Ngay ở khổ đầu bài thơ, tác giả đã đã dẫn dắt ta vào thế giới tình yêu một cách rất nhẹ nhàng nhưng đầy triết lý.

Khi chúng mình được sinh ra

Ta chưa từng hứa sẽ yêu nhau trong cuộc đời

Nhưng dòng máu nóng đã khắc lời hứa với bầu trời

rằng chúng mình sẽ yêu đất nước…

Phải chăng tình yêu đất nước, yêu quê hương là khí chất bẩm sinh, là ngọn nguồn yêu thương của mỗi con người. Một thứ tình cảm nghiễm nhiên ngỡ như là vô thức. Nó chảy trong huyết quản của mỗi chúng ta. Không ai định hình và gọi tên nó được. 

Theo năm tháng, mỗi chúng ta lớn lên, chúng ta tìm thấy một nửa của mình, tìm thấy tình yêu đôi lứa. Và tình yêu ấy cũng không nằm ngoài nhịp đập trái tim của bao lớp người đi trước suốt bốn ngàn năm nước Việt thân yêu. 

Khi chúng mình tìm thấy nhau

Đất nước đã bốn nghìn năm lớp lớp người người từng yêu nhau

từng yêu bầu trời rồi hóa thân vào đất

Những ngón tay đan vào nhau

Những bàn tay dính hình cát bụi

Tạc vào trăm năm

Tình yêu màu vĩnh hằng.

Tình yêu đôi lứa hòa trong cái nôi dân tộc với bốn nghìn năm văn hiến. Tình yêu ấy bình dị, mộc mạc, tự nhiên như là điều tất yếu của vạn vật, của thiên nhiên vĩnh hằng.

Khi chúng mình yêu nhau

Bàn tay nắm lấy bàn tay

Nhớ lớp lớp người người đã từng hạnh phúc đã từng mất mát

Lớp lớp người người đã từng khóc và từng hát

Lớp lớp người người đi qua, gặp nhau, yêu nhau và ngã xuống

Cho lớp lớp người người lại đi tìm nhau

Cho em tìm thấy anh

Cho tình yêu trong muôn kiếp người mãi nối dài màu xanh

Màu của hy vọng

Màu của sự sống

Tình yêu màu vô tận đất trời…

Đọc đến đây, tôi thật sự giật mình trước cái cách mà tác giả nói về tình yêu đôi lứa. Nó không hề ủy mỵ. Cụm từ “lớp lớp người người..’ được lặp lại tới bốn lần làm tăng lên tính nối tiếp xuyên tời gian, xuyên không gian, nhấn mạnh giá trị và ý nghĩa muôn đời của tình yêu. Tính cá thể trong tình yêu đã được hòa mình với “..tình yêu trong muôn kiếp người”. Tác giả đã khai thác đến tận cùng ngọn nguồn, ý nghĩa của tình yêu. Nó trong trẻo, hồn nhiên, thánh thiện đến lạ kỳ. Trong mắt tác giả, màu tình yêu chính là “màu của sự sống”, “của vô tận đất trời.”

Tình yêu vốn dĩ muôn màu, có khát khao hi vọng, có hạnh phúc ngọt ngào và cũng không thiếu những chia ly, mất mát. 

Khi chúng mình mất nhau

Tình yêu chọn đất để tan

Chọn bầu trời để hát

Vũ trụ những vì sao đi lạc

Thiên hà xa xăm…

Mặt đất và bầu trời có trôi đến vạn năm

Cũng chẳng thể chạm vào nhau một lần trong biền biệt.

Song, cái cách mà tác giả đối diện, nhìn nhận trước sự chia ly mất mát ấy cũng thật khác biệt. Nó có chút gì liêu trai, kỳ bí. Đau đớn mà không bi thương. Nỗi đau mất mát trong tình yêu đã hóa vào những vì tinh tú, hòa vào trời đêm, thành những câu hát ngân lên giữa vũ trụ bao la. Dù đã chia xa, dù là chia tay hay sinh ly tử biệt thì khoảnh khắc tình yêu ấy đã thành vĩnh hằng trong mỗi trái tim.

Nếu ở đầu bài Tác giả cho thấy tình yêu với màu xanh hi vọng, thì ở cuối bài, tình yêu ấy được khắc sâu hơn như sự trải nghiệm cuộc đời của một con người, một số phận. Tác giả đã thốt lên: 

Tình yêu màu vĩnh cữu

Nhuộm vào cơn mưa phía cuối đất cùng trời…

Vâng sự chia ly ấy được tác giả ví như sự “trôi” trong “tình yêu màu vĩnh cửu” để một lần nữa hòa tan vào “cơn mưa phía cuối đất cùng trời.”

Bài thơ với thể thơ tự do, không câu nệ niêm luật hay vần điệu, nhưng khi đọc lên, nó cứ tự nhiên, ngọt ngào như một bản tình ca. Tình yêu vốn dĩ rất đẹp, nhưng nó sẽ càng lung linh hơn khi được nuôi dưỡng bởi một trái tim nhân hậu, bao dung, một trái tim luôn biết đặt tình cảm đôi lứa vào mạch yêu cùng thiên nhiên, đất nước. Bài thơ đã kết thúc, sao cơn mưa tình yêu vẫn còn rơi mãi trong tôi./.

Phạm Phương Lan

Có người nói, nhan sắc là một tài sản. Nhưng cũng có người ngại ngần “hồng nhan bạc phận” và “phụ nữ làm thơ thường đa đoan”.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn