Lơ ngơ một mình

 

 LƠ NGƠ MỘT MÌNH

 

Em mệt lắm rồi người có biết không

Thân gầy lơ ngơ một mình phố lạ

Đô thị phồn hoa, người người hối hả

Gặp chẳng kịp chào, vội vã qua nhau. 


Em mệt lắm rồi, người ở nơi đâu

Cho mượn nhé đôi bờ vai tạm bợ

Cho mượn nhé đôi bàn tay bỡ ngỡ

Vỗ về em tròn giấc nồng say. 

 

Một giấc an lành xua hết đắng cay

Cho tan biến những nhọc nhằn, mưa nắng

Em mệt lắm rồi nên nghĩ vơ, nghĩ vẩn

Có ai nào ngăn cấm một giấc mơ. 

        

                           PHẠM PHƯƠNG LAN

                            (Hội nhà văn Tp. HCM)

(Rút trong tập GIỮ LỮA THỜI @ -Thơ- Nxb Hội nhà văn-2015)

      


       LỜI BÌNH 

      

Cuộc đời nhiều khi cũng bất công. Có những người con gái "tài  sắc vẹn toàn" mà loay hoay mãi vẫn chưa thể tìm được "nửa kia" của đời mình. Cô gái ở bài thơ trên là một trong số đó. 

Đáng lẽ ra sống ở thành phố, bạn bè đông, giao tiếp rộng là điều kiện hết sức thuận lợi để cô tìm cho mình người bạn đời phù hợp. Vậy mà sao cô ấy vẫn:

"Thân gầy lơ ngơ một mình phố lạ"

Cô lạc lõng, bơ vơ như người khách từ phương xa đến. Qua cảm nhận của cô thì:

"Đô thị phồn hoa, người người hối hả

Gặp chẳng kịp chào, vội vã qua nhau"

Từ lạc lõng, bơ vơ đến thất vọng, cô đã phải ba lần kêu lên: "Em mệt lắm rồi" nghe hết sức cảm thương. Nếu như ở lần kêu thứ nhất là hậu quả của mệt mỏi thể xác thì lần kêu thứ hai, thứ ba là tổng hợp của cả mệt thể xác lẫn tâm hồn. Nguyên nhân sâu xa là cô còn thiếu một "bờ vai " để nương tựa, thiếu một gia đình đúng nghĩa để đi về, hay nói cụ thể là cô chưa tìm được người xứng đáng để cho cô gửi gắm cuộc đời. Người cô tìm hình như đã xuất hiện ở đâu đó, rất gần. Chỉ có điều là cái "duyên" chưa đến với hai người mà thôi. Tận cùng của sự cô đơn, tuyệt vọng là lời tỏ tình độc đáo, mạnh dạn đến mức liều lĩnh của cô:

"Cho mượn nhé đôi bờ vai tạm bợ

Cho mượn nhé đôi bàn tay bỡ ngỡ"

Đến đây, chắc chắn có người ngạc nhiên, thốt lên: Ồ, kỳ quá! Sao lại "mượn" như thế ?

Để giải mã cho lời tỏ tình độc đáo này thật không đơn giản, ta phải nhờ đến ca dao Việt Nam thôi. Anh chàng "tát nước đầu đình, bỏ quên cái áo trên cành hoa sen" muốn xin lại áo của mình, anh đã hứa  "giúp" cô gái những gì ? Nào là: "một thúng xôi vò, một con lợn béo, một vò rượu tăm".  Nào là: "đôi chiếu em nằm, đôi chăn em đắp, đôi trầm em đeo". Đặc biệt:

"Giúp cho quan tám tiền cheo

Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau"

Anh chàng này thật khôn khéo và láu lỉnh, đồ "giúp" toàn là lễ vật cưới xin cả. Lời tỏ tình vừa bóng gió, vừa nghiêm túc và đáng yêu làm sao!

Vậy thì chuyện "mượn" của cô gái trong bài thơ này cũng khôn khéo, láu lĩnh và đáng yêu tương tự chuyện "giúp "của anh chàng tát nước trong ca dao đấy thôi. 

Ta có thể hiểu: "Cho mượn nhé đôi bờ vai tạm bợ" mới chỉ là tín hiệu của việc tìm bạn, thì: "Cho mượn nhé đôi bàn tay bỡ ngỡ" đã là quyết định đứt khoát của việc chọn người yêu. 

Lúc này, hẵn có nhiều chàng trai hí hửng tình nguyện cho cô gái "mượn" đôi bàn tay của mình. Nhưng đừng tưởng bở! Ở cái tuổi tương xứng với cô gái, liệu có chàng nào mà đôi tay vẫn còn bỡ ngỡ hay không ? Phải là đôi bàn tay "bỡ ngỡ " kia! Bàn tay ấy biểu hiện một tình yêu ban đầu trong sáng và chân thành. Có như vậy mới tạo nên phép màu:

"Vỗ về em tròn giấc nồng say. 

Một giấc an lành xua hết đắng cay

Cho tan biến những nhọc nhằn, mưa nắng"

Thế là, dù cô gái có khao khát một tình yêu đến cháy bỏng thì cô vẫn đủ tỉnh táo để đi tìm cho mình một người yêu chân chính, đích thực. Nhưng để tìm được một người như vậy khó khăn biết nhường nào! Chính cô gái đã phải thừa nhận :

" Em mệt lắm rồi nên nghĩ vơ, nghĩ vẩn

Có ai nào ngăn cấm một giấc mơ". 

Người ta ví: bài thơ hay như vương miện Nữ Hoàng, câu thơ hay như viên kim cương gắn trên đó. Hai câu thơ có từ "mượn" trong bài thơ này chính là hai viên kim cương lấp lánh trên vương miện vậy. 

Thơ là đỉnh cao của nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Nhà thơ Phạm Phương Lan đã rất táo bạo và "vững tay" khi dùng cụm từ "cho mượn nhé "trong lời tỏ tình độc đáo nêu trên. Sử dụng một cụm từ "nhạy cảm" như thế tức là tác giả đã chấp nhận mạo hiểm chẳng khác gì chọn con đường tắt đi men theo bờ vực thẳm. Và sự mạo hiểm của chị đã thành công. Một điều lý thú nữa là tác giả gắn từ "bỡ ngỡ" vào "đôi bàn tay" làm cho bài thơ có điểm sáng và nó "găm" mãi vào tâm trí bạn đọc.

                                

                                                      Trần Thanh Chương

                                            (Hội viên Hội Nhà văn Tp. Cần Thơ)

 

Phạm Phương Lan

Có người nói, nhan sắc là một tài sản. Nhưng cũng có người ngại ngần “hồng nhan bạc phận” và “phụ nữ làm thơ thường đa đoan”.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn