Biển và giai điệu trong thơ nữ thi sỹ Phạm Phương Lan - Hàn Quốc Vũ

 Biển và giai điệu trong thơ nữ thi sỹ Phạm Phương Lan

 Hàn Quốc Vũ

 


KHÚC TÌNH CA CỦA BIỂN

Đêm giấu vào đâu

Những hư hao mộng tưởng

Ta giấu vào đâu

Những đau xót đôi đường

Ngày làm sao giấu hết những vấn vương

Cho đêm trắng những giận hờn trách cứ.

Em vẫn thế

Anh muôn đời vẫn thế

Hai cánh buồm nâu về hai phía chân trời

Sóng bạc đầu mà sao vẫn chơi vơi

Không tìm nổi một bến bờ yên ả.

Em và anh vẫn hai người xa lạ

Câu hát chia đôi, câu hát thay lời.

Giận mà chi

Ai oán để mà chi

Biển vẫn dạt dào khúc tình ca dẫu chở bao mặn chát

Em lặng lẽ bên song, tự tình câu hát

Anh viết tặng thuở nào

Nốt nhạc cứ ngân nga

Ngân nga…

Ngân nga…

Xem trên mạng và qua nhiều anh em biết về nữ thi sỹ PHẠM PHƯƠNG LAN, tôi rất lấy làm xao xuyến vì đã đọc và cảm thụ cái nét tài hoa của chị qua dòng thơ về tình yêu và biển.

Phải chăng biển có những đợt sóng ru ca và những con sóng hãi hùng khi bão tố đã làm nên thi hứng cho biết bao nhiêu người yêu thơ, yêu người yêu của mình? Thoạt đầu, tác giả PHẠM PHƯƠNG LAN đang nói chuyện với đêm và lý luận với chính đêm – nó là một ngai bệ cho chị tựa vào những tâm sự của tình yêu dào dạt! Chị viết:

“Đêm giấu vào đâu

Những hư hao mộng tưởng

Ta giấu vào đâu

Những đau xót đôi đường

Ngày làm sao giấu hết những vấn vương

Cho đêm trắng những giận hờn trách cứ.” là những cái ảo, cái mộng tưởng của cõi hồn, một nơi hư cấu của từng suy nghĩ. Tác giả phân bua với đêm, cái bóng tối có đôi lần hay nhiều lần làm cho người ta đáng sợ, và trong bóng đêm ấy cũng có cái ái tình mà người ta trao gửi. Sự so sánh giữa đêm và chính mình tác giả để hiểu ra bao điều đau đớn từ trong tâm trạng thất tình đầy bản ngã của mình, hàm chứa hỉ, nộ, ái, ố,… quyện đặc quánh vào ngôn ngữ thi ca. Ở đây, kỹ thuật làm thơ và tứ thơ chị có một cách khoa học để tự nhận ra: “Ngày làm sao giấu hết những vấn vương’. Đôi khi thi sỹ tự hỏi mình, bất chợt có cái gì đó mơ mơ, say say và thực thực như vậy đã làm nên những câu thơ rất tỉnh, rất tình cảm, ắp đầy tâm lý. Ai đó đã nói: “Theo tình tình chạy, chạy tình tình theo” thì có thể vận vào trường hợp của đoạn thơ đầu này. Có lẽ rằng chị muốn trốn vào một nơi yên ắng, một cõi không người ư để tìm thấy mình và nhận ra phải có cách gì nhằm sống tốt đẹp hơn cho tình yêu của mình. Khi đọc kỹ câu thơ: “Cho đêm trắng giận hờn trách cứ”, tôi phát hiện ra tính thục nữ của một nàng thơ là hay hờn hay dỗi và trách cứ đủ điều! Tình yêu phải thế mới thi vị, nó sẽ thô ráp, khô quéo khi mà chả có một sự lãng mạn nào.

Sang đoạn thơ thứ hai, ta bắt gặp:

“Em vẫn thế

Anh muôn đời vẫn thế

Hai cánh buồm nâu về hai phía chân trời

Sóng bạc đầu mà sao vẫn chơi vơi

Không tìm nổi một bến bờ yên ả.

Em và anh vẫn hai người xa lạ

Câu hát chia đôi, câu hát thay lời.” đã tạo nên sự muôn trùng xa cách, và con người lúc này bé nhỏ trước biển, trước sự gào thét của nó, mà tìm đâu ra “anh” – người đã làm cho em phải yêu, phải chờ, phải đợi, phải,… Có thể lúc này chị ước mơ mình có thêm đôi cánh để bay và múa lượn cùng sóng, tìm tình nhân trong không gian bao la diệu vợi. Chị dùng hai từ đặc sệt ngôn ngữ nói: “vẫn thế” thì khó có thể thay thế ở cấu tứ thơ kiểu này, chúng làm ta mủi lòng khi nhìn cảnh biệt ly, hiểu rõ từng phút giây ly biệt mà ai đó từng yêu, từng bị phụ phàng, từng xa cách rồi vĩnh viễn chẳng còn thấy nhau. Ngẫm lại mộng tưởng có thể làm người ta hy vọng và chính nó cũng làm người ta ngộ nhận với chính mình, nhưng yêu là vậy, muôn đời đã thế, biết làm sao!

Nhìn hình tượng “hai cánh buồn; sóng” được kết nối với “bến bờ; câu hát’ nhưng toàn là chuyện dang dở, dở dang như một thước phim nhựa từ từ kéo ra màn ảnh của cuộc đời mà ta từng qua và nếm trải những nỗi đau ấy. Lẽ nào thi ca đau thương, thất tình là thơ hay, nhưng cũng phải đành nghĩ vậy, vì ngoài tình yêu ra, con người sẽ còn cái gì nên ta thán, nên ngợi khen sự trường tồn của bản thể nó mà là cái bản thể siêu hình! Giọng thơ chị có cái mượt mà mà đau cay xé, có nước mắt mà mê đắm xót xa, có cái trách hờn mà hy vọng cảnh tốt tươi hơn.

Và đến đoạn thơ kết, chị vẫn dùng ngôn ngữ bạch thoại ấy:

“Giận mà chi

Ai oán để mà chi

Biển vẫn dạt dào khúc tình ca dẫu chở bao mặn chát

Em lặng lẽ bên song, tự tình câu hát

Anh viết tặng thuở nào

Nốt nhạc cứ ngân nga

Ngân nga…

Ngân nga…” mà thật là thơ, nói thành thơ, nhẹ nhàng mà ngấn lệ, dầu tình yêu hai người chia hai ngả nhưng không thể nào những kỷ niệm xưa phai tàn theo năm tháng trong tâm trí một người nữ cuồng yêu, bởi: “Biển vẫn dạt dào tình ca chở bao mặn chát” là hình ảnh đẹp, là những phút giây du dương mà ái tình mang lại cho chị những cảm giác say khướt bên một chàng nhạc sỹ tuyệt vời! Thơ kỷ niệm đã làm bừng cháy dậy trong khối não của người khát cháy yêu say – một loại cồn hay một loại dầu hỏa đã bén lửa trập trùng.

Nhìn toàn bài thơ, ta thấy nữ nhà thơ đã dùng cái phương pháp bản năng của ái tình mà viết nên những lời thơ chan chứa, cái ngữ điệu yêu đương ấy đã cất nên ca từ cho thơ và bài thơ này nên đi vào nhạc hơn nữa cho nhiều người thưởng thức. Từ ngữ tuôn ra từ trái tim, có gì to tát lắm đâu, có gì đao to búa lớn, có gì gây trúc trắc và khó hiểu đâu, ấy chính là thơ, chính là cách giản dị để đến gần những trái tim đồng điệu hơn.

Ước gì trong dòng đời thăm thẳm ta sẽ còn bắt gặp một PHẠM PHƯƠNG LAN mềm mại, tha thướt câu từ và mang tính nhạc này nữa cho nàng thơ sẽ còn vang xa hơn trên con đường nghệ thuật của chị.

Biển và tình yêu hay tình yêu và biển đã chìm lẩn vào trong tâm hồn nhạy cảm mà tác giả muốn tìm đến các bạn, các độc giả thân yêu.

Xin chúc cho chị sẽ còn mãi chất rượu nồng của thi ca ái tình!

Cái Bè, Tiền Giang, 03 – 8 – 2016

HÀN QUỐC VŨ


Phạm Phương Lan

Có người nói, nhan sắc là một tài sản. Nhưng cũng có người ngại ngần “hồng nhan bạc phận” và “phụ nữ làm thơ thường đa đoan”.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn